Celluon
Magic Cube là một thiết bị nhập liệu rất độc đáo bởi khả năng
tạo ra bàn phím ảo trên mặt phẳng nhờ các chùm tia la-ze.
Khi nói về công nghệ thì dường
như không bao giờ có điểm kết thúc bởi vì luôn có sự thay đổi hàng ngày
hàng giờ với những cải tiến cũng như sáng tạo không ngừng. Và hôm nay,
chúng ta sẽ được chứng kiến 1 loại công nghệ mới. Đó là bàn phím la-ze
ảo dành cho các thiết bị điện tử không có bàn phím cứng như iPhone/iPad,
hay những máy tính bảng và smartphone chạy hệ điều hành Android.
Tên của thiết bị này là Celluon
Magic Cube. Đây là một sản phẩm do Celluon, một công ty Hàn Quốc chuyên
nghiên cứu và ứng dụng công nghệ 3D Electronic Perception Technology
(EPT) sáng tạo ra.
Đó không phải là những bàn phím
ảo thông thường cài đặt sẵn trên những thiết bị di động, mà là một thiết
bị phát ra chùm tia la-ze để chiếu lên bất cứ một bề mặt nào. Sau đó
người dùng chỉ việc gõ lên chùm la-ze như bàn phím bình thường, quả là
rất ấn tượng
Celluon đã sử dụng công nghệ 3D
EPT cho sản phẩm nhằm cho phép nhận diện sự chuyển động của tay dưới
dạng 3 chiều, từ đó Celluon Magic Cube sẽ chuyển chúng thành “tín hiệu
gõ phím” và truyền đến các thiết bị di động. Thêm nữa, Magic Cube
đồng thời cũng có thể hoạt động như 1 thiết bị chuột máy
tính. Trong đoạn video ta có thể người thử nghiệm zoom màn hình
chỉ bằng việc kéo 2 ngón tay.
Cách sử dụng Celluon Magic Cube
cũng rất đơn giản. Người dùng chỉ cần bật thiết bị lên, chờ kết nối
với các thiết bị di động, và sử dụng. Celluon Magic Cube chỉ có kích
thước 90 x 24 x 24mm, ta có thể dễ dàng cầm thiết bị trên tay hay cất
trong túi.
Theo như tin trên trang chủ của
hãng Celluon thì Magic Cube có khả năng tương thích với các smartphone
chạy hệ điều hành Android phiên bản 2.0/2.1/2.2, iOS phiên bản 4.0 trở
lên hay thiết bị có khả năng kết nối Bluetooth HID.
Những ưu điểm chính của thiết bị này:
La-ze chiếu ra không gây hại cho sức khỏe.
Kích thước nhỏ gọn, khả năng tiêu thụ điện thấp.
Tỷ lệ bàn phím la-ze gần tương đương với bàn phím máy tính thông thường.
Mặc dù rất độc đáo, nhưng Magic Cube còn có một vài nhược điểm như:
Thay vì cầm 1 thiết bị smartphone, người dùng sẽ phải mang thêm Magic Cube.
Phải có 1 mặt phẳng để chiếu bàn phím la-ze.
Muốn gõ bàn phím người dùng bắt buộc phải đặt smartphone/máy tính bảng xuống.
Bàn phím la-ze không đem lại cảm giác gõ cho người dùng.
Có vẻ như
Magic Cube của Celluon sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách
nếu như muốn chinh phục được các tín đồ công nghệ cao trong
lĩnh vực smartphone và máy tính bảng. Hãy cùng chờ đợi sản
phẩm xuất hiện trong cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới với mức giá vào
khoảng 199USD.