tac hai cua thuoc la

                                                                      THUỐC LÁ GÂY RA BỆNH GÌ?

Hút thuốc sẽ làm biến đổi da, răng, tóc và những bộ phận khác của cơ thể để tạo ra vẻ ngoài già hơn so với tuổi thực. Nó cũng tác động tới những bộ phận ẩn sâu trong cơ thể, từ khả năng sinh sản đến sức khỏe tim mạch, phổi và hệ xương.

Tổn thương răng lợi

Vàng răng là một trong những tác động điển hình của việc hút thuốc lá lâu. Những tổn thương của răng không chỉ dừng ở đây.

Những người hút thuốc có xu hướng mắc các bệnh nướu răng, hơi thở hôi và các vấn đề vệ sinh răng miệng khác.

Người hút thuốc có nguy cơ mất răng cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc.

Rụng Tóc

Cả nam và nữ đều có xu hướng bị tóc thưa mỏng hơn khi có tuổi và hút thuốc có thể làm tăng tốc quá trình này.

Các nhà nghiên cứu tại Đài Loan đã xác định được rằng hút thuốc như là một yếu tố nguy cơ rõ ràng gây hói đầu ở đàn ông châu Á.

Đục thủy tinh thể

Thậm chí ngay cả đôi mắt cũng dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với thuốc lá.

Hút thuốc làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể khi lớn tuổi. Đây là những vùng mây trên thủy tinh thể vốn giữ ánh sáng đến từ võng mạc. Thường bác sĩ chỉ định phẫu thuật nếu bệnh ảnh hưởng lớn tới thị lực.

Dễ gãy xương

Mọi người đều tin thuốc lá tấn công lá phổi đầu tiên nhưng các nghiên cứu cho thấy 1 thực tế đáng ngạc nhiên là thuốc lá lại tác động tới cơ thể bắt đầu từ hệ xương. Hút thuốc làm tăng nguy cơ yếu xương hay loãng xương và hậu quả là dẫn tới cong vẹo cột sống.

Bệnh tim và rối loạn tình dục

Hút thuốc ảnh hưởng đến gần như mọi cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả trái tim. Ở những người hút thuốc lá, các động mạch mang máu tới tim bị thu hẹp theo thời gian. Hút thuốc cũng làm tăng huyết áp và các cục máu đông dễ hình thành. Hậu quả là dễ gây ra các cơn đột quỵ hay nhồi máu cơ tim.

Ở nam giới, hút thuốc lá nhiều sẽ làm giảm lưu lượng máu tới “cậu nhỏ” có thể dẫn đến rối loạn chức năng cương dương.

Giảm khả năng tập luyện

Tác động tới tim, phổi của thuốc lá có thể gây bất lợi cho bất kỳ việc tham gia hoạt động nào.

Nhịp tim của người hút thuốc có xu hướng nhanh hơn, lưu thông máu kém và khó thở hơn - không phù hợp với hoạt động luyện tập thể dục thể thao.

Các vấn đề về sinh sản

Phụ nữ hút thuốc trong 1 thời gian nhất định sẽ khó mang thai cũng như sinh 1 đứa trẻ khỏe mạnh vì các chất độc trong thuốc sẽ làm tăng nguy cơ khó thụ thai, dễ sẩy thai hay sinh trẻ nhẹ cân.

Mãn kinh sớm

Mọi phụ nữ đều trải qua thời kỳ mãn kinh, giai đoạn kích thích tố nữ giảm và chu kỳ kinh nguyệt ngừng hẳn. Hầu hết phụ nữ đều trải nghiệm sự thay đổi này ở tuổi 50 nhưng những người hút thuốc sẽ mãn kinh sớm hơn, trung bình là 1,5 năm so với phụ nữ không hút thuốc.

Tác động này rõ rệt nhất ở những phụ nữ hút thuốc nhiều năm.

Ung thư miệng

So với người không hút thuốc, người hút thuốc có nguy cơ ung thư miệng cao gấp 6 lần. Những người nhai thuốc lá hoặc sử dụng sản phẩm thuốc lá không khói khác có nguy cơ cao gấp 50 lần.

Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh gồm một tổn thương hay biểu hiện khác lạ trên lưỡi, môi, nướu răng, hoặc khu vực khác bên trong miệng mà không khỏi hoặc không gây đau.

Ung thư phổi

Ung thư phổi là kẻ giết người hàng đầu của nam giới và phụ nữ ở Mỹ trong số các bệnh ung thư.

Trong số những người chết vì căn bệnh này, 9 trong số 10 ca tử vong là do hút thuốc lá. Thuốc lá cũng có thể gây tổn thương phổi nhẹ hơn như gây khó thở và các viêm nhiễm nặng như viêm phổi.

ÍCH LỢI KHI BỎ THUỐC LÁ

Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và vẻ đẹp là rất rõ ràng. Và việc cải thiện sức khỏe cũng như làn da cũng rất cụ thể ngay sau khi bạn bỏ thuốc lá.

Làn da khỏe mạnh hơn

Bỏ hút thuốc lá sẽ giúp cải thiện đáng kể vẻ ngoài.

Khi lưu thông máu được tốt hơn, làn da sẽ nhận được nhiều ô-xy và chất dinh dưỡng, giúp cho làn da phát triển khỏe mạnh.

Khi bỏ thuốc, các vết bẩn trên ngón tay và móng tay sẽ dần biến mất. Thậm chí, bạn có thể dễ dàng nhận thấy răng của bạn trắng lên.

Bảo vệ, chống tổn thương da: Khi bỏ hút thuốc lá, làn da sẽ có khả năng chống lão hóa sớm tốt hơn. Tuy nhiên, những nếp nhăn và các đốm tàn nhang đã xuất hiện thì không có cách gì để làm mất đi. BS da liễu Keri, Đại học Miami (Mỹ), cho biết những người hút thuốc có thể dùng các sản phẩm dưỡng da các chất chống ôxy hóa và retinoids nhiệt đới như vitamin C và E. Bà Keri cũng đề nghị nên thoa kem chống nắng mỗi ngày.

Các giải pháp khác: Để có cải thiện nhanh chóng, có thể chọn các giải pháp thẩm mỹ. Là laser và loại bỏ lớp “vỏ bọc” hóa chất bên ngoài của da, nơi tổn thương rõ nhất. “Khi bạn nhìn thấy làn da ngày càng đẹp hơn bạn sẽ có động lực để tránh xa nicotine”, BS Keri nói.

Cải thiện sức khỏe toàn diện

Chỉ sau 20 phút ngừng hút thuốc, huyết áp và nhịp tim trở lại bình thường. Trong thời hạn 24 giờ, nguy cơ đau tim của bạn bắt đầu giảm xuống.

Trong những tuần đầu tiên sau khi cai, các lông nhỏ trong phổi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ “quét sạch” kích thích ra khỏi phổi.

Trong vòng 1 năm, nguy cơ mắc bệnh tim giảm xuống một nửa. Và sau 10 năm không hút thuốc, nguy cơ tử vong vì ung thư không khác so với người không bao giờ hút thuốc.

Bỏ thuốc cũng giúp “loại trừ” các mùi đặc trưng của thuốc lá trong hơi thở, tóc và quần áo. Mùi này không những gây khó chịu mà còn ảnh hưởng xấu tới người tiếp xúc, vốn được gọi là “hút thuốc lá thụ động bắc cầu”. Những độc tố trong hơi thở, lưu trên tóc, quần áo có thể gây hại cho trẻ em.

Bạn có thể bỏ thuốc lá?

Các chuyên gia đồng ý rằng việc bỏ thuốc lá là rất khó khăn nhưng nếu nói không thể thì không đúng.

Chỉ cần nhớ rằng hầu hết mọi người phải cố gắng nhiều hơn một lần và chỉ có 4-7% thành công mà không cần giúp đỡ. Hãy nhờ bác sĩ tư vấn cho chiến dịch bỏ thuốc lá của mình.

Một trường hợp hoại tử chân do hút thuốc lá

Mất tay chân do hút nhiều thuốc lá

Mỗi tuần Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tiếp nhận 2-3 bệnh nhân phải phẫu thuật bỏ tay chân do mắc bệnh viêm tắc mạch ngoại biên mà yếu tố thúc đẩy bệnh phát triển là hút nhiều thuốc lá!

Ngày 19-7, tại hành lang khoa phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy có tới ba bệnh nhân mắc bệnh viêm tắc mạch ngoại biên, trong đó có hai bệnh nhân đã được phẫu thuật bỏ chân, một bệnh nhân đang đợi kết quả chụp X-quang mạch máu mới biết có bị cắt bỏ chân hay không. Cả ba bệnh nhân này đều hút thuốc lào, thuốc lá hàng chục năm nay.

Ông C.H.T., 45 tuổi, ở Lâm Đồng, mới được cắt bỏ hai chân tại 

Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: T.Dương

Đa số bệnh nhân nhập viện trễ

Ông C.H.T., 45 tuổi, ở Lâm Hà, Lâm Đồng, nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy gần 20g ngày 13-7 trong tình trạng hai chân bị hoại tử. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tắc mạch ngoại biên. Ngay sau đó, bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ 1/3 hai chân cho bệnh nhân. Các bác sĩ cho biết nếu bệnh nhân không được phẫu thuật, độc tố sẽ nhiễm trùng toàn thân, gây nguy hiểm đến tính mạng. Ông T. kể thường xuyên hút thuốc lá hơn 30 năm qua.

Ông D.Đ.T., 76 tuổi, ở Đắk Lắk, cũng phải cắt bỏ 1/3 cẳng chân bên phải do mắc bệnh viêm tắc mạch ngoại biên. Mới đây, ông được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để chữa cho lành mỏm cụt sau phẫu thuật và điều trị chân trái vì chân này có triệu chứng thiếu máu. Ông T. cũng đã hút thuốc lào từ năm 17 tuổi.

Cũng mắc bệnh viêm tắc mạch ngoại biên, ông N.H.E., 59 tuổi, ở Cà Mau, nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy vì bị hoại tử bàn chân phải. Mới đầu, khi bác sĩ đến giường bệnh hỏi ông có hút thuốc lá không, ông chối đây đẩy nói không và nháy mắt với vợ, nhưng khi bác sĩ quay sang hỏi vợ ông thì bà thành thật kể ông có thói quen hút thuốc lá từ hàng chục năm nay.

Bác sĩ Phạm Minh Ánh, phụ trách khoa phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân mắc bệnh viêm tắc mạch ngoại biên phải cắt bỏ chân tay là chuyện thường gặp tại khoa. Mỗi tuần, có 2-3 bệnh nhân phải cắt bỏ chân tay, có những trường hợp phải cắt bỏ cả hai tay, hai chân. Khi các bác sĩ tìm hiểu những trường hợp này, hầu hết bệnh nhân đều kể đã hút thuốc lá từ nhiều năm trước.

Theo bác sĩ Minh Ánh, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm tắc mạch ngoại biên như người bệnh mắc bệnh lý xơ vữa, cao huyết áp, mỡ máu cao... Đến nay, khoa học chưa xác định được thuốc lá có phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh này hay không nhưng người ta thấy rõ thuốc lá là yếu tố thúc đẩy bệnh phát triển, làm diễn tiến bệnh trầm trọng hơn rất nhiều, gây nguy hiểm cho người bệnh...

Hằng năm, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân bị viêm tắc mạch ngoại biên nhưng đáng tiếc là đa số bệnh nhân đến điều trị trong tình trạng nặng như đã bị biến dạng bàn chân, bàn tay; chân, tay đã bị hoại tử, không thể đi lại được. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng hiệu quả điều trị sẽ không cao, trong đó có nhiều bệnh nhân đã phải cắt bỏ chân tay gây đau đớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trong khi bệnh nhân mắc bệnh này nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ đem lại hiệu quả cao. Có bệnh nhân chỉ cần uống thuốc hoặc kể cả khi phải phẫu thuật để điều trị những tổn thương thì đa số vẫn giữ được chân tay và sau điều trị bệnh nhân vẫn hoạt động bình thường.

Triệu chứng bất thường, đi khám ngay

Mới đầu, khi mắc bệnh này người bệnh đi bộ 2-3 cây số sẽ thấy đau ở bắp chân. Triệu chứng của bệnh tăng dần nếu không được điều trị như chỉ cần đi mấy chục mét đã thấy đau, còn khi đã bị nặng rồi thì không đi cũng vẫn đau. Khó tìm thấy hoặc không thấy mạch tùy theo mức độ bệnh. Ngoài ra, người mắc bệnh còn thấy tay, chân lạnh, tím. Ngón tay, ngón chân bị biến dạng méo mó, bị quặp lại gồ ghề, lở loét ngón tay, ngón chân, gót chân, nặng hơn sẽ gây ra những đám hoại tử cơ thể gây mất cảm giác. Thực chất đây là tình trạng chết từng bộ phận trên cơ thể.

Nhiều bệnh nhân kể họ thấy triệu chứng này từ nhiều năm nhưng đa số lo công việc, cuộc sống và không hiểu biết, cứ nghĩ không sao nên chỉ đến khi bệnh nặng mới chịu đến bệnh viện điều trị. Khi bác sĩ thông báo phải cắt bỏ tay chân, nhiều người rất hoảng hốt và bị sốc. Nếu sớm điều trị họ đã không phải chịu sự mất mát lớn như vậy...