Smartphone: Thông minh nhưng... hại điện!

Ngày đăng: Nov 12, 2012 9:52:40 AM

Lí do là nguồn pin mau cạn, không ổn định. Kéo dài “tuổi thọ” của pin bằng cách nào? Đây là mối bận tâm của nhiều người dùng smartphone.

Những chiếc smartphone ra đời theo xu hướng màn hình lớn, công nghệ xử lí cao cấp, kéo theo việc tiêu hao pin cực nhanh. Việc tốn pin đang làm đau đầu người tiêu dùng hiện nay.

Hết pin giữa chừng

Các smartphone cao cấp đều được trang bị màn hình kích thước trên 4 inch, độ phân giải HD với mật độ điểm ảnh cao, màu sắc trung thực, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến. Thế nhưng khổ nỗi là nhiều khi máy hết pin giữa đường, chạy loanh quanh không biết nơi nào để sạc pin, làm trễ nải công việc.

Chị Lâm, một doanh nghiệp ở quận Bình Thạnh, cho biết chị đã nhiều lần phải đổi máy chỉ vì mỗi chuyện pin quá mau hết. Gần đây chị xài chiếc Samsung S II nhưng chỉ xài được khoảng một ngày thì máy lâm vào cảnh “ò í e”. Cứ phải sạc pin liên tục khiến chị Lâm thấy nản. Nghe lời giới thiệu của bạn bè, chị Lâm chọn giải pháp là đổi sang điện thoại S III vì nghe đâu dung lượng pin có thể trụ được khoảng hai ngày.

Trên một diễn đàn công nghệ, chị Thu - một nhân viên văn phòng kể lể: Chị vừa mua một chiếc iPhone 4S mới, trước khi mua, chị Thu tham khảo nhiều nơi thì nhận được lời tư vấn là pin của iPhone 4S hoạt động tốt hơn iPhone 4. Nhưng đến khi sử dụng thực tế thì pin vẫn hao rất nhanh, thậm chí... không xài cũng hết, ngày nào cũng phải sạc. Do công việc hằng ngày rất bận và phải sử dụng điện thoại thường xuyên để liên lạc với các đối tác nên chị gặp đủ thứ trở ngại. Không dưới hai lần chị Thu bị “sếp” cự nự vì không gọi chị được, lí do chẳng có gì “bí mật” mà đơn giản chỉ vì... thường hết pin “đột ngột”. Chị Thu buộc phải mua thêm một cục pin dự phòng, dù việc tháo ra lắp vào khá bất tiện.

Các ứng dụng tiết kiệm pin được nhiều người dùng quan tâm.

Việc hết pin quá nhanh của các dòng smartphone cao cấp đang trở thành một bài toán nhức đầu! Chỉ cần lướt web hay chơi game vài tiếng đồng hồ, người dùng dễ dàng rơi vào trạng thái... lơ lửng, bần thần vì màn hình điện thoại tắt ngúm, hết pin!

Giờ đây, đối với nhiều người dùng mỗi khi tới cửa hàng để xem các dòng máy mới xuất hiện, họ không chỉ quan tâm tới các ứng dụng hiện đại trên điện thoại mà... hỏi han ngay lập tức về dung lượng pin và tần suất thời gian sạc pin! Nói cách khác, một trong những tiêu chí để chọn mua điện thoại là “tuổi thọ” của mỗi lần sạc pin.

Đủ “chiêu” níu kéo

Để giữ cho nguồn pin được xài lâu, nhiều khách hàng đã phải dùng đến giải pháp tình thế là... tắt hết các chức năng, như tắt Wi-Fi, không dùng 3G, hạ độ sáng màn hình đến thấp nhất…. Oái oăm thay, giải pháp này khiến một chiếc smartphone hàng chục triệu đồng chợt trở thành... một chiếc điện thoại thông thường chỉ đáng giá vài trăm ngàn! “Nếu tắt hết các ứng dụng thì có khác nào xài điện thoại “bèo”? Còn muốn xài đủ tính năng thì không quá một ngày phải nạp điện cho pin. Lỡ sử dụng hơi nhiều thì pin có thể tắt ngủm giữa đường, rất phiền phức!” - anh Hùng, một người đang dùng điện thoại Samsung S III, than thở.

Anh Lê Duy, admin diễn đàn MobileWorld.vn, cho biết: Hầu như người dùng smartphone nào cũng mắc phải “nỗi sợ” bị hết pin đột ngột.

Trên các diễn đàn công nghệ, các giải pháp tiết kiệm pin đang trở thành chủ đề được ưa thích. Đơn cử là sự xuất hiện khá nhiều phần mềm giúp tiết kiệm pin như JuiceDefender for Android, Battery Booster for Android, AndroidCap Battery Saver… Tuy nhiên, hiệu năng thực sự của các phần mềm này khó mấy ai kiểm chứng được, mỗi thành viên sử dụng lại đưa một ý kiến khác nhau.

Các giải pháp như cài phần mềm, mang theo cục pin sạc dự phòng, thậm chí có người giờ đây lấy điện thoại thường với loại pin “cày như trâu” để liên lạc, còn smartphone xài kèm chỉ khi nào cần dùng tới các chức năng cao cấp.

Theo Pháp Luật Thành Phố