Trung tâm dạy nghề từ thiện.

Ngày đăng: Oct 21, 2012 5:25:56 PM

Tôi thực sự bị ấn tượng và xúc động mạnh trong buổi ghé thăm Trung tâm dạy nghề tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam. Đây là trung tâm dạy nghề miễn phí, tạo việc làm miễn phí cho trẻ em khuyết tật, mồ côi, cơ nhỡ, thanh thiếu niên nghèo, con em thương binh, gia đình liệt sĩ, giới thiệu việc làm cho mọi người lao động do thầy Trần Duyên Hải sáng lập và điều hành.

Ngôi nhà số 25, ngách 48, ngõ Linh Quang, Văn Chương, Đống Đa nằm một con ngõ nhỏ, ngoằn nghoèo giữa thủ đô Hà Nội chính là địa chỉ của trung tâm, ngôi nhà thân thương của các trẻ em thiệt thòi đang cư trú trên địa bàn Hà Nội.

Thầy Trần Duyên Hải - giám đốc trung tâm cũng chính là người “công đức” trụ sở hoạt động cho trung tâm.

Tính từ ngày thầy Hải mở lớp đầu tiên, trung tâm đã có thâm niên 29 năm. Nghe những băn khoăn chia sẻ của thầy từ những ngày đầu tiên thành lập đến ngày hôm nay, chúng tôi thấu hiểu, đó là cả một chặng đường xen lẫn biết bao nhọc nhằn khó khăn, cả buồn tủi, xót xa, cả giận hờn trách móc, cả niềm vui vô tận… Biết bao thế hệ học trò đã đi qua từ ngôi nhà, ngôi trường thân thương ấy. Những trẻ em lang thang cơ nhỡ, những thành phần được coi là đầu trộm, đuôi cướp, những “cặn bã của xã hội” khi vào đây đều như được cảm hóa, đều học việc, làm những việc có ích, kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình. Thầy Hải quan niệm “nhân chi sơ tính bản thiện”, bản chất của con người là tốt đẹp, chỉ có điều là các em bị hoàn cảnh tác động, các em bị vùi lấp phần tốt đó đi, phải làm sao để khơi gợi được phần tốt trong các em. Nhiều em đến trung tâm từng hành nghề mại dâm, ăn cắp, trộm cướp… rồi bỏ đi nhưng những lần sau quay về, các em cũng dần bớt đi được phần nào, thầy Hải chia sẻ, nếu lần đầu tiên các em đến, các em ăn cắp 10 phần thì lần sau quay trở lại, các em còn 9 phần là tôi đã thấy hạnh phúc lắm rồi.

Những trẻ em bị tàn tật: có em cụt chân, cụt tay, teo cơ, có em mù, có em câm, có em điếc… nhưng tất cả các em đều được thầy tìm cho một công việc phù hợp. Các em không còn mặc cảm mình là gánh nặng của xã hội, các em được lao động như tất cả những người bình thường khác. Ít nhất, các em đã có thể nuôi sống được bản thân, nhiều em còn kiếm được tiền gửi về cho gia đình, nuôi các em ăn học. Nhiều học trò xuất sắc của thầy đã trở thành các chủ doanh nghiệp, tiêu biểu là trường hợp của chị Vương Bích Hậu, chị bị cụt cả 2 chân, người chỉ cao 60cm nhưng hiện nay, chị đã là chủ một doanh nghiệp may mặc với khoảng 10 nhân công. Một sự nỗ lực phi thường mà nhiều người lành lặn không làm được.

Những câu chuyện thầy chia sẻ về những khó khăn khi bị chính quyền nghi hoặc, những vụ giải tán không thành của cơ quan chính quyền… thật khiến mỗi người từng đến trung tâm rớt nước mắt. Nhưng thầy vẫn vượt qua bằng chính những công việc và thành quả của trung tâm. Thầy không màng tư lợi cho mình dẫu chỉ là một hạt cát nhỏ. Mỗi em đến trung tâm chỉ mất 300 nghìn một tháng cả tiền ăn ở và học hành, sau 3 tháng, các em sẽ có 1 công việc phù hợp. Tất cả số tiền các em kiếm được đều do các em trực tiếp cầm, không qua trung tâm.

Vào mỗi dịp Tết đến, trung tâm cũng đều có một phòng cho những người lang thang cơ nhỡ cư trú trong 4 ngày Tết. Họ có chỗ ngủ miễn phí – không phải lo bị cướp giật, xâm hại khi ngủ ngoài đường ngoài chợ, được ăn 2 bữa đầy đủ bánh chưng, giò, thịt… ấm cúng

Khi được hỏi, trung tâm có hạn chế số lượng học viên hay không, vì với một không gian chật hẹp như vậy thì nếu rất nhiều người đăng kí thì sao? Thầy Hải chỉ cười lặng lẽ, từ trước tới giờ trung tâm vẫn vậy, từ khi thành lập có 3 em, đến khi 10 em, rồi đến 40 em… mỗi lần khó lại ló cái khôn như được Trời Phật phù hộ vậy. Thầy mong muốn rằng, càng có nhiều em được có cơ hội làm việc, có một nơi che chở, yêu thương thì càng bớt những phần tử xấu cho xã hội, những người xung quanh càng đỡ bị tác động xấu

Thầy cũng ngậm ngùi chia sẻ, rất nhiều trung tâm bảo trợ xã hội với cơ sở vật chất đầy đủ hoành tráng thì bị rêu phong vì vắng bóng người, vì chẳng giúp gì được cho ai.

Hiện nay, trung tâm có khoảng hơn 10 máy khâu cho học viên học và làm việc nhưng rất nhiều trong số đó đã hỏng hóc không thể làm việc được, nhiều em bị mù mong muốn được đi học bấm huyệt… biết bao cảnh đời cần được giúp đỡ từ các nhà hảo tâm. Bớt đi được một bữa liên hoan, một bữa nhậu nhẹt, bạn đã góp phần giúp đỡ được bao hoàn cảnh thiệt thòi ngang trái. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, nếu bạn cũng đến trung tâm một lần như tôi, chắc hẳn bạn sẽ biết quý trọng bản thân, nâng niu những gì mà mình đang có hơn, và cảm thấy hổ thẹn vì mình chưa làm được gì so với công đức trời bể mà thầy Hải và các thầy cô trong trung tâm đang làm. Tôi đã nhận rõ chân dung một vị bồ tát giữa đời thường.

Đăng bởi: Romanticscience.

http://www.thien.vn