Mẹ ú ớ, tập tễnh bán bánh mì, con đỗ thủ khoa

Ngày đăng: Nov 21, 2012 5:46:45 PM

     Một chân bị dị tật, tay trái co quắp, bước đi cà nhắc khó nhọc, miệng ú ớ… ngày mưa cũng như nắng chị Nguyễn Thị Quế thôn Đại Lâm xã Tam Đa (Yên Phong – Bắc Ninh) len lỏi qua từng ngõ ngách trong thôn, mong sao bán hết bánh mì để có tiền cho con học đại học.

     Mới 5h sáng, màn sương giăng trắng xóa trên đường, người cách người vài mét nhìn không rõ mặt, chợ thôn Đại Lâm mới lèo tèo vài bóng, người ta đã thấy chị tập tễnh trên đường đi bán bánh mì.

 

Người hiểu thì vui vẻ bỏ 2.000 đ mua bánh mì giúp chị nhưng cũng không ít người chửi.

 

     Tiết trời đã chuyển se lạnh, mưa lất phất rơi nhưng chị vẫn bận bộ quần áo mỏng manh, mái tóc ngắn cũn đội trời, len lỏi khắp các ngõ ngách trong thôn với chiếc làn nhựa màu xanh lủng lẳng,  hai tay chị bê thêm chiếc xô nhựa đựng đầy bánh mì bước từng bước khó nhọc.

     Gặp ai chị cũng ú ớ, hai tay run run cố gắng đưa chiếc xô đựng bánh về phía trước mời mua. Khách quen thì mỉm cười bỏ 2000đ mua chiếc bánh giúp chị nhưng cũng không ít những người lạnh lùng đi qua rồi ngoái đầu lại lầm bầm: “Sáng sớm ra ngõ đã gặp hạn”.

     Nghe vậy nhưng chị làm như không, ngửa mặt lên trời, hai mắt nhấp nháy như muốn nhìn xuyên màn sương đang phủ trên đầu, mặc cho mưa phả vào mặt. Một lát chị lại tập tễnh đi tiếp, lâu lâu bỏ chiếc xô và túi xuống đường, lấy tay phải vuốt hai hàng nước mắt trộn lẫn những hạt mưa lạnh ngắt trên khuôn mặt.

 

Dù mưa hay nắng, ngày nào chị cũng len lỏi khắp các ngõ ngách trong làng.

 

     Dù mang trên mình những dị tật, bị nhiều kẻ độc mồm, độc miệng nói này nói khác nhưng ngày nào chị cũng cố gắng bán hết 50 chiếc bánh mì kiếm lấy hai chục bạc mua gạo ăn cho hai mẹ con và bỏ ra một chút tiết kiệm. Cũng có hôm đi cả buổi mà làn bánh mì vẫn còn hơn nửa, chẳng biết làm thế nào, chị khóc tu tu.

 

Chị Quế khoe 2 tờ 10.000đ là thành quả của một ngày lao động.

      Ông Hoàng Văn Nam, hàng xóm của chị Quế cho biết: “Cách đây nửa tháng, tôi thấy cô Quế vừa tập tễnh xách làn bánh mì đi bán vừa khóc tu tu, ngỡ cô ấy bị làm sao, hỏi ra thì cô ấy chỉ vào làn bánh mì rồi chỉ lên đầu, ý cô ấy là: bánh mì ế thế này thì lấy gì nuôi con, lo cho con đi học”.

      Ông Nam nói tiếp: “Cô ấy cũng khổ, đã tật nguyền lại một mình nuôi con nên sáng nào cũng phải thức dậy từ 5h, đi bộ 2km đến lò lấy bánh về sau đó đem đi bán dạo trong làng. Nhưng được cái con gái học giỏi, chăm chỉ giúp mẹ làm nhiều việc nên cũng đỡ”.

      Từ nay trở đi, làn bánh mì của chị lại nặng thêm vài phần vì cô con gái Nguyễn Thị Hiếu Hạnh vừa thi đỗ thủ khoa, khoa quản trị kinh doanh trường Đại học Hà Nội. Đó là sự động viên đối với người mẹ nghèo tật nguyền nhưng cũng mang tới nỗi lo lộ rõ trên khuôn mặt hai mẹ con.

 

Ông Nguyễn Văn Bảy (bố của chị Quế) lật từng tờ giấy khen của cháu lên xem mà lòng nặng trĩu.

 

      Anh Nguyễn Đức Thanh, anh ruột của chị Quế cho biết: “Em gái tôi bị dị tật từ nhỏ, cánh tay trái quẹo ra phía sau, một chân run cầm cập, miệng nói không ra lời, không làm được gì ngoài bán bánh mì. Chúng tôi cũng chỉ giúp được phần nào vì còn gia đình và con cái mình nữa. Ngày cầm tờ giấy báo nhập học trên tay, hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở. Vẫn biết đó là niềm vui nhưng nỗi lo lại đè nặng lên vai cô ấy”.

      Ông Nguyễn Văn Bảy, 89 tuổi (bố của chị Quế) lật từng tờ giấy khen của cháu lên xem rồi lẳng lặng cất ngay ngắn vào tủ. Ông thở dài: “Tôi thấy lo lắm, năm nay 89 tuổi rồi, thương con, thương cháu nhưng cũng chẳng làm được gì. Mẹ đã như vậy giờ con lại đi học, phải lo cả một đống tiền… Hôm rồi thấy mẹ khóc, cháu Hạnh lại gần ôm lấy mẹ và bảo mẹ đừng khóc con sẽ cố gắng vừa đi học vừa đi làm”.

     Em Nguyễn Thị Hiếu Hạnh buồn rười rượi nói: “Tuần sau em xuống trường nhập học. Em sẽ lo từng bước một, được đến đâu hay đến đó”.

 

Khuôn mặt Hiếu Hạnh buồn rười rượi khi nói về tương lai.

 

      Câu chuyện giữa chúng tôi với em Hiếu Hạnh vừa kết thúc cũng là lúc chị Quế tập tễnh đi bán bánh mì về đến nhà. Nhìn làn bánh mì hết sạch nhưng khuôn mặt người mẹ vẫn không vui. Chỉ đến khi được hỏi “ai mua cho chị bộ quần áo mới này” thì chị cười và nhìn về phía con gái. Nụ cười chưa kịp làm đôi mắt chị ánh một chút thì chị lại nhìn xa xăm.

Mọi hỗ trợ xin gửi về địa chỉ:1.  Chị Nguyễn Thị Quế, thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.2. Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức

Địa chỉ: tầng 5, Tòa nhà Láng Trung, số 60/850, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Số điện thoại: (04) 62.765.887; (04) 62.765.886. Hotline: 098.884. 4039.

Số tài khoản ngân hàng: 126.10.000.119.106 tại ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức

Xin vui lòng ghi cụ thể tên người được hỗ trợ hoặc tên bài báo có nhân vật được hỗ trợ. Kienthuc.net.vn cam kết chuyển đến tận tay.

Trân trọng!         Hứa Phương